Nhà tôi chuyển đến chỗ mới. Cách nhà không xa là một bãi đất rất lớn, chất đầy gạch đá, cát rất nhiều và mịn. Trưa nào tôi cũng cùng “đồng bọn” trong xóm chơi đùa đến mệt lử ngoài bãi cát. Bọn tôi hay để một tấm gỗ làm ván và trượt từ trên đụn cát xuống đất. Tuy mê tít đồi cát nhưng bọn nhóc chỉ chơi vào buổi chiều, khi thằng Bun đi học chưa về.
Bun lớn hơn chúng tôi hai tuổi. Chẳng đứa nào gọi nó là anh bởi nó thấp bé. Từ ngày ba Bun được công ty cấp cho căn nhà nhỏ ở gần bãi cát, nó nghiễm nhiên coi đó là khu vực nhà mình, đuổi cổ tất cả những đứa dám mon men tới đó. Ban đầu, tụi tôi còn cự lại Bun. Đến khi Bun chỉ cho coi chiếc xe cẩu của ba nó ở đằng xa, nạt: “Tao kêu ba tao lấy xe cẩu hốt tụi mày về nha!” Chiếc xe cẩu lừ lừ tiến lại gần cùng cái cần sắt giơ cao, cả bọn tái mặt bỏ chạy.
Một ngày, bãi cát tự dưng tấp nập hẳn. Các chú thợ làm chung với ba Bun lái một cái xe tải nhỏ chạy vòng quanh đồi cát như mấy chiếc mô tô vượt địa hình trong chương trình thể thao trên TV. Nhỏ Hà xin xỏ sao đó mà các chú cho nó lên chiếc xe, chạy một vòng lướt gió quanh đồi cát. Bọn tôi chiều nào cũng ra đồi cát chạy theo chiếc xe. Chỉ một mình Bun là không vui. Thấy tụi tôi mê chiếc xe đến nỗi ở lì trong bãi cát không chịu về, nó leo lên xe, cho xe chạy rừ rừ dí theo từng đứa. Cả bọn chạy toé khói. Chạy thoát rồi, tụi tôi quay lại hét toáng tên Bun, càng ngày càng ghét nó tợn.
Cả đám tụi tôi họp lại bàn cách trả đũa Bun. Canh lúc nó ở nhà một mình, tụi tôi hốt mấy bao cát đổ ập vô cửa sổ nhà nó, rồi cả bọn hùa nhau bỏ chạy, khoái trá nhủ thầm kì này thế nào mẹ Bun cũng bắt nó dọn nhà mệt nghỉ. Bun bị kẹt với đống cát, chúng tôi mặc sức mà chơi ở ngoài đồi. Buổi tối trời mát, chúng tôi thỏa sức lăn lộn. “Thằng Bun kì này hết chảnh!”, Tùng hào hứng. Cả đám đang cười đùa thì từ đằng xa, đèn bỗng sáng trưng, chiếc xe cẩu quen thuộc của ba Bun xuất hiện. Theo sau nó là ba chiếc xe cẩu nữa. Tất cả đều đang quắp mấy thanh thép trong cái cần cẩu lớn.
Tiếng ầm ầm của động cơ chạy sát nhau như cỗ máy khổng lồ đang nhai nghiến thức ăn. Tụi tôi thất thần, mếu máo đứng túm tụm lại với nhau. Đột nhiên có tiếng kêu thét lên. Gấu áo của Tùng bị mắc vào gờ sắt phía sau một chiếc xe. Trước khi chúng tôi kịp hoàn hồn, chiếc xe đã lôi tuột thằng nhỏ đi như một món đồ chơi. Bọn con gái khóc thét lên, còn đám con trai bủn rủn tay chân nhìn Tùng bị mắc kẹt. Bỗng Bun từ đâu xuất hiện, nó chạy lên giữa mấy cái xe, vỗ mạnh vào cửa để người lái dừng lại, sau đó lột phắt cái áo ra khỏi người Tùng. Nhìn cái áo te tua dưới gờ xe, đứa nào cũng sợ rúm người.
Ba Bun và mấy chú lái xe vừa giận vừa sợ. Nhưng người bị mắng không phải là tụi tôi mà là Bun. Hóa ra, bãi cát này nằm trong công trình đang xây dựng của công ty ba của Bun, thế nên công ty mới cấp nhà cho gia đình nó ở tạm để trông coi công trình. Ban đêm công ty mới đưa xe cẩu đến vận chuyển đồ đạc để ban ngày làm việc. Bun lãnh trách nhiệm xua tụi tôi ra khỏi bãi cát để tránh nguy hiểm khi những chiếc xe cẩu đến chuyển đồ. Khi chúng tôi hỏi sao nó không giải thích để khỏi bị mắng, Bun nhún vai: “Thôi chuyện đã lỡ rồi. Nhưng nhờ vậy tụi mày cũng biết sợ rồi hé. Tao nói hoài mà tụi mày cứ xem thường nguy hiểm!”
Bun chẳng cao hơn bao nhiêu sau sự kiện đó, nhưng tụi tôi đều nhất loạt gọi nó là “anh Bun”, vì đứa nào cũng nhất trí rằng, lúc Bun cứu Tùng khỏi chiếc xe, trông nó oai ơi là oai.
Bãi cát gần nhà tôi bây giờ là nhà máy bia. Bun giờ đã cao vọt. Bun nói mai mốt học hết trung học, nó sẽ đi học nghề cơ khí rồi xin vào làm một khâu nào đó trong nhà máy sản xuất bia. Tụi tôi tin chắc Bun sẽ làm thật tốt. Vì khi quyết định gọi Bun bằng “anh”, tất cả chúng tôi đều nhận ra rằng: Sự trưởng thành không chỉ nằm ở hình vóc cơ thể, mà là ở ý thức trách nhiệm. Bun đã chọn lớn lên bằng cách nhận trách nhiệm bảo vệ tất cả chúng tôi.